Sáng 7-3, tại trụ sở HĐND – UBND tỉnh Bắc Ninh, Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội họp, nghe báo cáo tiến độ triển khai dự án và những khó khăn, vướng mắc, giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa; lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND, các sở, ngành của thành phố Hà Nội và hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên.
Tiến độ chưa đồng đều ở 3 địa phương
Báo cáo tổng hợp chung về tiến độ triển khai dự án do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn trình bày cho thấy, đến nay, thành phố Hà Nội đã di chuyển 5.307/11.682 ngôi mộ, đạt 48,83%; phê duyệt và thu hồi đất được 276,08/796,766 ha, đạt 34,65%. Tổng số tiền đã phê duyệt trên địa bàn thành phố Hà Nội là 2.488,73 tỷ đồng.
Đối với tỉnh Hưng Yên, tổng diện tích thu hồi trong phạm vi giải phóng mặt bằng là 263,7ha. Số hộ có đất ở diện thu hồi là 843 hộ; số mộ cần di dời là 3.327 ngôi; dự kiến diện tích bố trí tái định cư là 50ha. Ngoài ra, còn có 15 cột điện cao thế cần di chuyển. Tổng kinh phí thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án khoảng 5.966,84 tỷ đồng, vượt 2.226,84 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua với phần dự án qua địa phận tỉnh Hưng Yên.
Đến nay, Quỹ Phát triển đất tỉnh Hưng Yên đã tạm ứng 42 tỷ đồng để các địa phương tổ chức chi trả cho nhân dân di chuyển mồ mả và thực hiện đồng thời công tác xây dựng nghĩa trang mới hoặc mở rộng… Các huyện đã di chuyển được 738/3.311 ngôi mộ.
Còn tại tỉnh Bắc Ninh, tổng diện tích đất bị thu hồi khoảng 389 ha; số mộ bị ảnh hưởng 3.189 mộ. Hiện tại, tỉnh chưa thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đối với việc triển khai thực hiện các dự án thành phần, đến nay, thành phố Hà Nội đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 1.1: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận thành phố Hà Nội, với tổng mức đầu tư khoảng 13.370 tỷ đồng và dự án thành phần 2.1: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội, tổng mức đầu tư khoảng 5.388 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công, bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.
Trong khi đó, các dự án thành phần 1.2, 1.3, 2.2, 2.3 do UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh là cơ quan có thẩm quyền đang tổ chức thẩm định, tiến độ bị chậm theo tiến độ tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18-8-2022 (phê duyệt các dự án thành phần trong tháng 1-2023) của Chính phủ và có nguy cơ ảnh hưởng đến việc khởi công dự án trong tháng 6-2023.
Thảo luận tại hội nghị, các ý kiến đều thống nhất cho rằng 9 nội dung kiến nghị của Ban Chỉ đạo đối với Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc là rất quan trọng, cần thiết; thống nhất đề nghị các bộ, ngành liên quan và Chính phủ ủng hộ, giải quyết.
Mặc dù còn có những khó khăn nhất định, song Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa và Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn đều khẳng định cam kết và quyết tâm bàn giao từ 70% mặt bằng để khởi công dự án như kế hoạch (tháng 6-2023).
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, dự án Vành đai 4 là dự án cụ thể, công việc cụ thể được triển khai theo mô hình hoạt động vùng. Việc thực hiện thành công dự án sẽ có ý nghĩa rất lớn để thực hiện các Nghị quyết của Đảng về phát triển vùng, trong đó có Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị báo cáo Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề xuất phê duyệt tổng mức đầu tư 3 dự án thành phần trên cơ sở thực tế.
Làm sớm ngày nào, được lợi ngày đó
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ, tiến độ dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô (cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào vận hành năm 2027) không chỉ được ghi rõ trong Nghị quyết của Quốc hội, mà còn trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ, cho thấy sự chỉ đạo đồng bộ và quyết tâm chính trị cao của Trung ương và 3 địa phương Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên.
Nhìn nhận về tình hình triển khai dự án, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết, 3 tỉnh, thành phố đều đã thể hiện rõ quyết tâm; ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương, cả 3 địa phương đã bắt tay vào thực hiện, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong quá trình triển khai vừa qua, xuất hiện nhiều cách làm hay, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì việc chung. Đặc biệt, dự án nhận được sự đồng thuận cao từ dư luận và nhân dân. Như ở Hà Nội, thực tế cho thấy, cho đến những ngày 28, 29 Tết, người dân vẫn di dời mộ để bàn giao mặt bằng cho Nhà nước. Sau Tết, các gia đình tiếp tục thực hiện công việc này. Qua thực hiện, các địa phương của Hà Nội đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý; trong đó, việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là rất quan trọng.
“Đối với dự án trọng điểm quốc gia như đường Vành đai 4 thì làm sớm được ngày nào có lợi ngày đó, vừa đỡ lãng phí, vừa mở ra cơ hội phát triển. Công tác giải phóng mặt bằng dự án này cũng có ý nghĩa như vậy, làm sớm được ngày nào, người dân có điều kiện sớm ổn định cuộc sống ngày đó”, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định.
Hoan nghênh tinh thần trách nhiệm và ý chí quyết tâm của hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên thông qua phát biểu khẳng định cam kết của hai đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đề nghị các cấp, các ngành của 3 địa phương tranh thủ tối đa sự đồng thuận, ủng hộ của người dân để thực hiện nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm đúng tiến độ bàn giao như dự kiến. Trong quá trình thực hiện, cần vận dụng chính sách để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét có ý kiến sớm đối với các nội dung kiến nghị, đề xuất của Ban Chỉ đạo; trên tinh thần đó, Ban Chỉ đạo sẽ có văn bản kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, đề xuất ra nghị quyết của Chính phủ đối với 9 nội dung kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án.
Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô nhất trí với đề nghị phê duyệt theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với các dự án thành phần vượt tổng mức đầu tư dự kiến sơ bộ ghi trong Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời sẽ báo cáo xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền theo hướng này.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng lưu ý một số vấn đề để thống nhất thực hiện ở cả 3 địa phương trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, như tập trung tuyên truyền, vận động và hoàn thành sớm việc di dời mồ mả; kiểm soát chặt chẽ về việc xác định nguồn gốc đất và diện tích đất vì đây là khâu dễ xảy ra sai sót, cần giám sát thường xuyên và từ đầu để phòng ngừa…
Hội nghị thống nhất ban hành biên bản do Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án của 3 tỉnh, thành ký kết. Đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo chung của cả 3 tỉnh, thành sẽ ký văn bản báo cáo Chính phủ về các nội dung kiến nghị.
Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô có quy mô chiều dài 112,8km đi qua địa bàn của 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh (đoạn trên địa bàn thành phố Hà Nội 58,2km; đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên 19,3km; đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh dài 25,6km và tuyến nối dài 9,7km. Điểm đầu nối cao tốc Hà Nội – Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài – Hạ Long). Tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng với tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Dự án được triển khai theo 7 dự án thành phần, vận hành độc lập, bao gồm: 3 dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn của từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công; 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công và dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.